CategoriesLifeThink

Những nguyên tắc quan trọng trong giáo dục con cái

1/ Luôn tôn trọng và tin tưởng ở trẻ

Phần lớn phụ huynh coi con mình là một đứa trẻ, thậm chí cho đến khi chúng 18 20 tuổi rồi vẫn đối xử với chúng như một đứa trẻ. Khi họ coi con họ là những đứa trẻ như vậy thì chúng sẽ không thể trưởng thành được, hoặc trưởng thành rất chậm và như vậy thì họ lại càng có lí do để coi chúng như một đứa trẻ. Bạn hiểu ý tôi chứ?

“Nếu không coi con là người lớn thì con sẽ mãi là trẻ con”

AT

Hãy coi con mình như một thành viên trưởng thành trong gia đình, thường xuyên nói chuyện và giải thích cho con hiểu. Thời gian đầu có thể chúng ta sẽ phải kiên trì hơn, có những sự việc sẽ phải nhắc đi nhắc lại hoặc giải thích đi giải thích lại thì con mới hiểu có thể hiểu được. Hãy kiên nhẫn nhé!

2/ Luôn nói sự thật, trả lời trẻ cẩn thận và chân thành

Hẳn chúng ta ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện “Cậu bé chăn cừu”.

Sẽ không ai tin chúng ta nữa nếu họ biết cứ hết lần này đến lần khác chúng ta lừa dối họ.

Trẻ con rất thông minh, và trí nhớ của chúng rất nhạy, vì vậy chớ có nghĩ rằng chúng dễ dàng bị lừa, chúng sẽ dễ dàng đặt ra những câu hỏi vào những lúc bạn không ngờ tới 🙂

Thêm nữa chúng ta là bố mẹ thì chúng ta cần làm gương cho con mình. Tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng mong muốn con cái mình sẽ luôn thành thật với mình, vậy thì tại sao chúng ta không thành thật với con mình trước, phải không?

Ngoài thành thật ra thì trẻ con cũng rất cần sự chân thành, khi con hỏi tốt nhất chúng ta nên trả lời con 1 cách chân thành, tuyệt đối không được trả lời cho có, cho xong, tốt nhất nên nhìn thẳng vào mắt con khi giao tiếp với con để con cảm nhận được bố mẹ đang lắng nghe mình.

3/ Không ép buộc trẻ vô cớ hoặc thiếu sự giải thích

Thực tế cho thấy phụ huynh Việt Nam rất hay mắc phải lỗi này, yêu cầu con mình “nghe lời”, làm theo ý mình mà không có giải thích cho con hiểu lí do vì sao.

Chúng ta mong muốn con mình “nghe lời” mình vô cớ, vậy sẽ như thế nào nếu sau này chúng lớn lên chúng cũng “nghe lời” người ngoài một cách vô cớ – sự thật hiển nhiên nhỉ?

Hãy luôn giải thích cho con hiểu lí do tại sao con “nên” hoặc con “cần” làm theo ý kiến của bố mẹ, hệ quả gì sẽ xảy ra nếu con không thực hiện, dần dần sau này con sẽ tự học được cách tư duy để tự đưa ra những quyết định của mình.

Hãy kiên nhẫn giải thích vì chắc chắn bạn sẽ phải giải thích cùng 1 vấn đề đến cả trăm lần đó 🙂

4/ Cho trẻ tự do trong khuôn khổ

Trẻ con thích sự tự do, thật ra thì ai cũng thích sự tự do cả.

Nếu chúng ta không cho trẻ tự do hành động theo ý mình thì có thể sau này chúng sẽ trở thành những người “bị động” trong xã hội, làm gì cũng phải hỏi ý kiến người khác hoặc nghe theo ai đó. Ngược lại, nếu chúng ta để trẻ tự do quá, lớn lên có thể trẻ sẽ trở thành một người vô kỉ luật, ngang ngược.

Vì vậy việc cân bằng rất quan trọng, tôi gọi việc cân bằng đó là “tự do trong khuôn khổ”. Nghĩa là chúng ta sẽ cho trẻ được tự do trong một phạm vi mà chúng ta kiểm soát được.

Ví dụ, chúng ta có thể cho trẻ một không gian chơi riêng, trong không gian đó con muốn bày biện đồ chơi như thế nào là tuỳ con, con có thể chơi thoải mái trong không gian của mình.

Hoặc một ví dụ khác, chúng ta có thể cho trẻ tự quản lý tủ đồ của mình, tự lựa chọn quần áo mình sẽ mặc.

Và tất nhiên, cần giải thích cho con và giúp con đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn nhất.

5/ Không chê cười, chỉ trích con khi con làm sai

Lại một lỗi nữa mà nhiều phụ huynh hay gặp, đó là chỉ trích con, chê cười con khi con làm sai, thậm chí còn trước mặt đám đông và người lạ nữa.

Chúng ta nghĩ rằng trẻ con không biết gì, nhưng thật ra chúng thực sự bị tổn thương rất nhiều, và nếu việc đó diễn ra nhiều, lâu dần đứa trẻ có thể sẽ thu mình lại, dần trở nên tự ti hơn, thậm chí nghiêm trọng hơn là chúng có nguy cơ bị tự kỉ cao hơn.

Việc chê cười con ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của con. Biểu hiện của một người thiếu tự trọng là: Không thích nghe góp ý, chỉ thích nghe lời khen, không nỗ lực mà chỉ ghen ghét. Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn con mình mắc phải điều đó phải không?

6/ Thường xuyên khích lệ động viên con

“Muốn con học phải làm con thích”

AT

Chúng ta hãy than vãn là con chúng ta “lười”, thật ra thì không có đứa trẻ nào lười biếng cả. Trẻ con làm một việc gì đó thường vì sự hào hứng và thích thú.

Vậy chúng ta muốn con làm nhiều hơn những điều tích cực, muốn con học hỏi và rèn luyện nhiều hơn, hãy nghĩ cách để tạo cho con sự hào hứng và thích thú.

Một trong những cách tạo sự hào hứng và thích thú đó là khích lệ và động viên.

Việc bắt ép con thường chỉ làm con cảm thấy sợ và có xu hướng bỏ trốn.

Về việc học hành, theo tôi chúng ta không nên bắt con học chữ quá sớm, chỉ nên cho con bắt đầu học trước khi học lớp 1 khoảng 1 tháng. Thay vào đó hãy giúp con rèn luyện nhân cách và tạo sự hào hứng thích thú cho con từ sớm.

Nghĩa là chúng ta sẽ phải nói với con về việc “con sẽ đi học” từ rất sớm, nói cho con biết việc đi học sẽ thích thú như thế nào, thậm chí chúng ta có thể đưa con đến ngôi trường mà con sẽ học trước khi con đi học vài tháng để con quen dần và xây dựng sự hứng thú cho con từ sớm.

7/ Tin tưởng ở khả năng tự học hỏi và rút kinh nghiệm của con

Trẻ con thật sự rất giỏi và thông minh. Chỉ cần chúng phạm sai lần 1 lần, lần sau chúng sẽ tìm một cách khác tốt hơn.

Đôi khi chúng ta quá bao bọc con mình, không dám cho con mình thử, không dám cho con mình sai. Nhưng nếu chúng không sai sớm hoặc không hiểu rõ vấn đề thì sớm muộn gì chúng cũng sai. Vậy chúng ta muốn chúng sai khi chúng còn trong vòng kiểm soát của chúng ta hay muốn chúng sai khi chúng đã lớn và không còn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta nữa?

Ngoài ra việc quá bao bọc còn khiến con thiếu tự tin, nhút nhát.

Hãy tạo điều kiện cho con trải nghiệm, giúp con hiểu và rút ra những bài học để sau này con có thể tự quyết định những việc tốt nhất cho mình.

8/ Tuyệt đối không so sánh con

“Con nhà người ta” có lẽ là cụm từ mà chúng ta đã nghe quá nhiều trong tuổi thơ của mình phải không các bạn.

Con nhà người ta học giỏi, con nhà người ta khéo léo, con nhà người ta thế nọ, con nhà người ta thế kia… Nghe thôi đã thấy mệt mỏi rồi nhỉ? Người lạ chê thì còn đỡ đau, đây người thân chê thì cảm giác tổn thương chắc chắn lớn hơn nhiều.

Có một anh bạn tôi quen, anh trung tuổi, con anh cũng đang học cấp 1. Có một hôm anh đi đón con mình, thì hôm đấy anh thấy con mình đang đi cùng với một cậu bạn, khi anh lại gần thì thấy con mình nói với cậu bạn rằng: “Tao ước gì, bố mày là bố tao.”…

Nghe đau xót phải không các bạn? Khi mình hỏi anh bạn này, thế anh cho em hỏi, ở nhà anh có hay so sánh con với những đứa trẻ khác không?

Anh lặng thinh và thú thật là có.

Sự so sánh tiêu cực đem lại nhiều rủi ro hơn chúng ta nghĩ phải không? Vì vậy hãy cực kỳ cực kỳ lưu ý mỗi khi so sánh con.

Và đặc biệt, nếu chúng ta có nhiều con, thì tuyệt đối không được so sánh giữa chúng với nhau, nếu không vô tình chúng sẽ mất đoàn kết, thậm chí ghét nhau, cho đến tận lúc trưởng thành, điều này cực kỳ nguy hiểm.

9/ Cha mẹ luôn phải làm gương cho con: nói những gì mình làm và làm những gì mình nói

Nguyên tắc cuối cùng, cũng có thể nói là nguyên tắc quyết định kết quả của mọi nguyên tắc khác.

Trẻ con học hỏi và bắt chước rất nhanh.

Nhiều anh chị than thở rằng con mình chả chịu đọc sách, chỉ thích xem tivi. Nếu để ý kỹ lại, có thể chính các anh chị đã có một thời gian dài không có thời gian đọc sách và thường xuyên xem tivi trước mặt con cái mình.

Trong việc xưng hô, chúng ta muốn con “dạ vâng” với mình đôi khi chúng ta cũng phải làm điều đó trước, vì thực ra khi con mới biết nói thì chúng cũng chưa hiểu dạ vâng là gì, lại càng không hiểu vì sao mình phải dạ vâng với bố mẹ, còn bố mẹ thì không.

Hay chúng ta muốn con cái nói “cảm ơn”, “xin lỗi” thì chính chúng ta sẽ phải làm gương, nói với con trước.

Một yếu tố quan trọng trong việc làm gương đó là: sự nhất quán. Nghĩa là: nói những gì mình làm và làm những gì mình nói.

Việc làm gương chỉ có tác dụng tốt nhất khi mình là chính mình. Vì vậy chúng ta muốn con mình như thế nào thì ngay lúc này đây, hãy rèn luyện chính mình trước.


Chúc các phụ huynh sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình nuôi dạy con của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *