1. “Tớ vừa đọc XONG một cuốn sách”
Câu này mang nhiều hàm nghĩa khác nhau: “tôi vừa lướt qua cái mục lục chi tiết của cuốn sách”, hoặc “tôi vừa đọc từ đầu đến cuối cuốn sách”, hoặc “tôi vừa đọc lần thứ 10 cuốn sách này”. Tất cả đều là “đọc xong một cuốn sách”. Chẳng có gì sai khi nói câu đó cả.
Điều tôi muốn nói ở đây là có nhiều mức độ đọc sách khác nhau. Với mỗi cuốn sách, bạn định đọc nó ở mức độ nào?
Khoảng hơn tám năm trước tôi đọc “Khởi thuật” của Guy Kawasaki, thấy sách viết hay và viết khéo nên làm một lèo chừng hơn 2 tiếng là xong hết, chả bỏ chữ nào.
Năm năm trước tôi đọc lại khi cùng anh em thành lập một tổ chức phi lợi nhuận, vẫn thấy mới quá. Ba năm trước, khi một dự án thất bại, tôi lại vác sách ra đọc, vẫn thấy nhiều cái lúc bấy giờ mới vỡ ra được. Vừa mới tuần trước thôi, tôi mang ra đọc lại và phải thốt lên với anh bạn khốt “Cái quy tắc 10/20/30 cực kì vĩ đại, càng ngày càng thấy nó vĩ đại!”. Vậy là tôi “đọc” cuốn khởi thuật này mất tám năm.
Tôi hỏi thật, bạn định đọc một cuốn sách trong bao lâu: hai tiếng hay tám năm?
2. Có nhất thiết phải đọc sách phù hợp với trình độ và lứa tuổi?
Con gái học lớp Hai của tôi bắt đầu đọc “Đất rừng phương Nam” từ tuần trước, trong khi bố nó ngày xưa đến cấp 3 đọc chả hết thì bỏ dở. Cô bé hăng say đọc Đoàn Giỏi, Phạm Hổ hay Vũ Tú Nam ngang như say mê Doreamon như nhiều đứa trẻ cùng tuổi khác. Tôi không ép gì cô nàng đọc sách này sách kia, cũng không vội lo lắng “bé tí chưa đọc được” đến mức phải cấm đoán hay ngăn cản. Sách do nàng tự chọn khi ra hiệu sách, tự đặt lên giá của mình, tự biết lúc nào thì đọc, và tự lôi ra đọc khi thấy hứng.
Một đứa 7 tuổi sẽ tiếp cận sách kiểu 7 tuổi. Khi lớn lên sẽ tiếp cận kiểu người lớn, dù vẫn là cuốn sách ấy thôi. Bố nó cũng vậy, bây giờ đọc “Khởi thuật” đã khác xưa nhiều lắm, sau khi đã đọc “Lean Startup”, “Founders’ Dilemma”, “Business Model Generation” và trải nghiệm những thứ hầm bà lằng nhằng khác nữa.
Nếu bạn chưa học triết học bao giờ, liệu có nên từ chối ngay từ ban đầu khi nhìn thấy “Phê phán lí tính thuần túy?” vì sợ không? Nhìn thấy một cuốn sách kinh doanh được khen là “tuyệt đỉnh”, bạn có ngại đến mức không dám đọc vì trông nó dày quá, sợ không có thời gian? Tôi cho là chả cần thiết phải sợ nhiều thứ như vậy. Nếu đã có chút ý định, thì cứ đọc thôi, còn hiểu được đến đâu, thì … hậu xét J
Cô nàng “bố láo” của tôi đọc xong “Đất rừng phương Nam” rồi, nàng mới thông báo với bố là cô đang rất háo hức với “Những tấm lòng cao cả”. Cũng tốt thôi hehe.
3. Đọc sách để làm gì?
Tôi không phải là người “sống ảo” đến mức suốt ngày vùi đầu vào thế giới của sách vở theo kiểu “Nếu không đọc thì chết mất” như câu hát trong bài “Chuyện 5 người” của nhạc sĩ Trần Tiến, nên cũng không có ý định chê những người không đọc sách là “thất phu”, “thất thê” hay “bọn không có tâm hồn”. Tuy vậy, tôi thấy mình cũng không phải là người dễ dãi chấp nhận những lí do từ bỏ việc đọc sách chỉ vì “Internet suốt ngày rồi, thiếu gì thông tin”, hay “không có thời gian”, hay “đọc sách chán lắm”.
Đọc sách có nhiều kiểu. Mục đích đọc sách sẽ quy định việc ta sẽ đọc sách gì và như thế nào, bao nhiêu lâu, nhiều hay ít.
Có người đọc sách để cho vui, có người đọc sách chỉ vì là một thói quen, có người đọc sách vì “trong bụng thích đọc sách, thế thôi”, có người đọc sách như là kênh học hỏi chính yếu rẻ tiền và đỡ tốn thì giờ.
Bạn hãy chọn cho mình một cách tiếp cận đọc sách cho phù hợp. Tôi thì thích cách đọc sách một cách có chủ đích, có thói quen, có kế hoạch, có thu hoạch, và có tính mở mang. Tôi thấy đầu tư cho việc đọc sách vừa hiệu quả vừa thú vị và có tính thưởng thức rất cao 🙂
Phần sau đây tôi chỉ đề cập đến việc đọc sách để lấy thông tin và kiến thức, phục vụ công việc và học tập. Từ phần này trở về sau, “sách” có nghĩa là “non-fiction book”. Các “doanh nhân” hay “nhân viên” chưa ham đọc và lúc nào cũng thấy thiếu thời giờ vì bận việc, các “sinh viên” lúc nào cũng thấy “tán gái” hoặc “đàn đúm” vui hơn đọc sách nhưng vẫn muốn đọc đôi chút để có thông tin cần thiết phục vụ công việc, đặc biệt là thấy mình “thế mà đần”, có thể đọc tiếp phần dưới đây. Còn không thì dừng được rồi 🙂
4. Đọc sách như thế nào?
Đọc sách cũng phải luyện tập. Thật đấy! Tôi không đùa đâu.
Có người vặn: cứ tưởng học đọc từ Tiểu học là xong chứ, sao lại còn phải học đọc nữa? Như tôi quan sát thấy thì trong hai ba chục năm trở lại đây việc dạy đọc ở
Tiểu học chỉ giúp ta đọc với trình độ của một … học sinh Tiểu học. Cho tới tận hết đại học, vẫn cái trình độ ấy là chủ yếu. Vì chả mấy khi ta luyện tập gì thêm cả.
Thế cho nên không lạ nếu ta có gặp một người kêu đọc cả tháng được 1 cuốn sách mà kêu mệt, thấy người khác đọc được dăm cuốn đã vội nắc nỏm khen siêu nhân.
Bạn biết đấy, chú Mark Zuckerberg bận rộn với đế chế Facebook là thế, mà năm ngoái chú đều đặn đọc mỗi tuần xong một cuốn.
Như tôi quan sát trên cộng đồng đọc sách Goodreads.com thì những người đọc hơn anh chàng Mark nhiều không đếm xuể!
Câu hỏi đặt ra là: vậy làm thế nào để đọc cho hiệu quả, đọc thế nào cho nhanh, đọc thế nào cho có ích?
Ta sẽ xử lí từng vấn đề nhỏ đó ngay sau đây.
Câu hỏi một: Làm sao để đọc được nhiều?
Có bảy điều bạn cần nhớ và vận dụng như dưới đây.
Một: Sách phải sẵn.
Nếu bạn giàu thì chả nói, bạn có thể mua cả một thư viện về nhà. Nếu bạn nghèo như cánh startup tôi đây, vẫn có vài cách.
Đăng kí đọc sách trên Alezaa một năm 365 nghìn (vị chi mỗi ngày tốn một nghìn, bằng một phần ba cốc trà đá vỉa hè), bạn có ngay hai trăm nghìn cuốn sách, thích lúc nào đọc lúc ấy, trên mọi thiết bị: Laptop, iPad, iPhone, Samsung Notes 5…
Lên mạng tìm ít sách miễn phí, đầy rẫy cả ra.
Nếu bạn là fan ruột của sách giấy, thì hãy ra ngoài hiệu sách cũ, hiệu sách giảm giá, hội chợ sách, chợ phiên sách cũ, để ý các thư viện thanh lí sách cũ … Chịu khó tha về. Chưa đọc cũng hãy cứ tha về những quyển ưa thích, hoặc những quyển quan trọng, hoặc những quyển được khuyên đọc. Chưa bao giờ sách ê hề như bây giờ, giá rổ lại rất dễ chịu nếu chịu khó tìm kiếm. Có anh ku bạn mua được hai thùng sách quý (lúc mới ra mỗi cuốn 100-200 Mĩ kim) chỉ với hai trăm nghìn đồng ông Cụ. Rẻ thối!
Tiết kiệm hơn nữa là đến thư viện nhà nước hoặc trường học mà mượn, có thể hơi bất tiện tí nhưng mà rẻ hehe 🙂
Việc trong nhà sẵn tủ sách, ba lô sẵn vài cuốn, Kindle/iPad sẵn ebook là cực kì quan trọng. Nó giống như tạo dựng cơ sở hạ tầng vậy. Có nó rồi thì xe pháp mới băng băng được. Không sách, đọc sách kiểu gì?
Hai: Đọc sách ở mọi nơi
Trước khi đi ngủ, đọc 20 phút, bét cũng được chục trang.
Sáng dậy sớm, đọc chừng 15 phút lúc cafe, bét cũng được dăm bẩy trang.
Lúc nghỉ trưa, đọc chừng 15 phút sau bữa trưa trước lúc ngủ trưa, bét cũng được dăm bẩy trang nữa.
Đấy, mỗi ngày nếu đặt mục tiêu khiêm tốn, bạn đọc được năm chục trang. Chẳng cần cố gắng, một tuần xơi được một cuốn vừa vừa.
Đấy là chưa kể bạn sẽ có những lúc trên tàu điện, ngồi chờ khách, hoặc lúc thư giãn sau khi nấu cơm xong chờ vợ tập gym về xơi cùng 🙂
Tôi đang tính với người đọc với tốc độ đọc hơi “rùa bò”. Chứ với người đọc khá, với sách không quá khó thì có thể đọc được 1000-2000 chữ/1 phút, tương đương 30 phút khoảng năm chục trang. Đến đây các bạn “thế mà đần” đừng vội cho là tôi bốc phét về tốc độ đọc, và tự hỏi “đọc nhanh thế thì nhớ được gì, mình đọc từng chữ còn chẳng ăn ai?”. Hãy kiên nhẫn chút đi, “thế mà đần”!
Ba: Đừng dừng lại, cần phải đọc như ăn cướp
Được rồi, tôi sẽ nói về chuyện đọc nhanh!
Có mấy thói quen xấu mà nhiều người mắc khi đọc sách (PS. Ngày xưa tôi cũng mắc phần lớn các lỗi này):
Sai lầm thứ nhất: Đọc từ nọ sang từ kia, dòng nọ nối dòng kia. Đây là một thói quen cực xấu và phản tự nhiên. Mắt bạn được sinh ra là để “chụp lại một trang sách”, hoặc chí ít là chụp lại một khối chữ, chứ không phải từng chữ cái một. Đọc từng chữ một khiến mắt vừa mỏi lại vừa khiến bạn đọc chậm đi trông thấy. Hãy cứ để mắt mình lướt nhanh qua các con chữ, rồi xa nữa là chụp theo khối. Nhưng bạn tự hỏi: đọc thế làm sao nhớ được gì? Cứ để việc ghi nhớ sau, sẽ có cách giải quyết!
Sai lầm thứ nhì: Cố hiểu cho thật kĩ rồi mới đọc tiếp. Đấy tôi đã nói bên trên rồi. Kể cả bạn có đọc đến lần thứ mười sẽ vẫn có chỗ bạn không hiểu hết cuốn sách. Đừng có tự làm khổ mình với mục tiêu “hiểu kĩ”. Não bộ hoạt động kiểu khác cơ! Khi bạn đọc, dữ liệu được tạm thời lưu chuyển vào bộ nhớ tạm, nó lưu lại đó đã. Khi bạn dừng việc đọc, bạn liên kết các dữ liệu lại với nhau, lúc đó mới hiểu. Tức là khi bạn “đọc như ăn cướp”, rồi sau đó gấp sách lại, bạn sẽ hiểu kĩ hơn là dò từng dòng một.
Sai lầm thứ ba: Cứ phải là tuần tự từ đầu đến cuối mới là đọc đúng cách. Thực ra các cuốn sách dích dắc hơn chúng ta tưởng. Mỗi chương thường có độ độc lập nhất định. Nếu mỗi ngày chỉ đọc một chương sách, có thể ta đọc chương 2 có vấn đề ưa thích trước khi đọc chương 1. Chẳng ảnh hưởng đến việc thu nhận thông tin lắm đâu! Thỉnh thoảng có thể để mình tự do một chút. Các mảnh ghép sẽ tạo thành bức tranh lớn đầy đủ ở phút cuối cùng.
Bốn: Đọc như trai tân tán gái
Hehe. Rõ là không phải chuyện bông lơn đâu. Một anh ku tán gái sẽ phải tìm hiểu xem gái này đặc điểm thế nào, thích cái gì, gia đình thế nào, bạn bè ra sao, motif ăn ở thế nào thì khi tán cô gái dễ đổ hơn. Nhiều người cầm sách xong là bộp phát vào chương Một ngay. Như thế chưa chắc đã là cách hay. Một cuốn sách sẽ được tác giả cấu trúc theo một logic nhất định, với những cách triển khai có phong cách nhất định. Khi ta tìm được logic ấy là lúc sẽ biết được “xử lí” cuốn này như thế nào. Cho nên hãy học anh ku chuyện tán gái để áp dụng vào việc đọc.
Hãy nhìn vào cấu trúc cuốn sách (lời nói đầu, lời cuối, cách phân chương, mục lục, index, đồ họa) để nắm sơ bộ. Tìm hiểu về tác giả để xem phong cách, bối cảnh, độ “nặng đô” của cuốn sách mình sắp đọc, như thế chàng trai sắp đến gặp đối tượng để tán tỉnh vậy!
Năm: Đọc sách như thể chụp X-Quang
Tiếp điều Năm. Sau khi nắm được sơ sơ cấu trúc, hãy tiến hành lướt thật nhanh các phần xương sống của cuốn sách: Tựa đề, Mục lục, Mục lục chi tiết, Index, Nói đầu/Tóm lược. Lướt qua những cái này, bạn đã túm được 20-30% thông tin chính của cuốn sách rồi. Thật đấy. Đặt ra vài câu hỏi đáng quan tâm, đánh dấu vài từ khóa cần tìm hiểu (ghi trong Mục lục hoặc Index) rồi lật nhanh đến phần chưa hiểu, ta sẽ kiếm thêm chút thông tin nữa. Rồi lướt nhanh các trang sách như thể quét một chiếc máy chụp x-quang lên cuốn sách. Làm thế này, chỉ chưa đầy nửa tiếng, đến nửa thông tin chính thức của cuốn sách đã hiển hiện trong đầu bạn rồi.
Sau đó, bạn có thể từ tốn hơn đọc từng chương sách quan tâm, từng chương từng chương cho đến hết. Đây là cách đọc có phân tích, vừa giúp bạn tăng tốc độ đọc sách, vừa giúp bạn hiểu ý chính dễ dàng hơn.
Sáu: Đọc liên văn bản đồng chủ đề
Khi bạn đã quen với các miếng võ bên trên rồi, có thể tiến thêm một bước nữa. Hãy đọc sách theo chủ đề. Nếu đọc “Lean Startup”, có thể đặt cùng “Running Lean”, và “Startup Owner’s Handbook”, “Business Model Generation”. Chụp X-Quang tất cả bọn chúng, rồi tiến hành đọc liên văn bản.
Khi đọc đến một chủ điểm chính, ví dụ: “Business Canvas”, có thể nhảy từ “Lean Startup” sang “Business Model Generation” với phần tương ứng (có thể dùng Index hoặc Mục lục để định vị địa điểm cần nhảy sang), rồi nhảy sang phần đó ở “Running Lean”.. Bằng cách đó, ta có thể thâu gom lại các ý tưởng chính của những tác giả chính yếu trong cùng một chủ đề. Việc đọc kiểu này tiết kiệm chí ít 1/3 thời gian đọc sách. Nó sẽ giúp bạn tăng tốc rất đáng kể.
Đây chính là cách mà tôi dùng để “xử gọn” 5 cuốn trong một tuần, khi cần nhiều thông tin để làm việc.
Bảy: Đọc có kế hoạch
Bạn thấy đấy, để thực hiện được việc đọc “liên văn bản”, cần phải có kế hoạch từ trước. Bạn làm việc gì cũng cần kế hoạch mới mong hiệu quả, tại sao lại không lập kế hoạch cho việc đọc?
Này nhé, Goodreads gợi ý một cách lập kế hoạch đơn giản thế này: Hãy lập ba dánh sách: Sách muốn đọc, Sách đang đọc và Sách đã đọc xong. Giới hạn số sách đang đọc xuống (ví dụ: 4 cuốn thôi). Sắp xếp thứ tự sách sẽ đọc trong danh sách “Sách muốn đọc”, đại ý là “tuần này sẽ đọc những sách gì”, tiếp theo sẽ là sách gì. Khi đọc cuốn nào thì đưa nó sang danh sách “Sách đang đọc” (nhớ đừng để quá nhiều, gây đình trệ, lâu dần dẫn đến mất hứng vì đọc mãi không xong). Đọc xong cuốn nào, nghiệm thu xong thì quẳng nó sang “Sách đã đọc xong”. Cuối tuần/Tháng ngồi tổng kết lại xem tình hình đọc có ổn không, cần cải thiện gì không. Bạn có thể tổ chức nhiều hơn một danh sách, tương ứng với những “giá sách” khác nhau. Rồi lần lượt xử lí chúng theo nhu cầu đọc của bạn.
Khi đã có mục đích đọc sách rõ ràng, thì việc lập kế hoạch cho đọc sách cũng sẽ giúp ta đạt được mục đích đó dễ dàng như ăn cơm hằng ngày thôi!
Đến đây mới xong được chữ “lượng” trong việc đọc, một điều mong mỏi của rất nhiều người đọc sách. Rõ ràng là để có kĩ năng đọc được nhiều, bạn cũng cần phải kiên trì luyện tập một chút. Không có bữa trưa nào miễn phí cả.
Còn sau đây chúng ta bàn thêm một chút về chữ “chất”.
Câu hỏi hai: Làm sao để đọc thật sâu?
Để đọc được thật sâu, thì phải đọc lại!
Đơn giản phải không? Hehe.
Mỗi lần đọc lại, một lần ngộ thêm. Đó là sự thật.
Phàm phải sách nào hay, và quan trọng, hãy đọc đi đọc lại. Đấy là bí quyết hàng đầu.
Bí quyết số hai là hãy tổ chức lại thông tin thu được sau khi đọc sách. Não bộ sẽ củng cố thông tin và lưu vào bộ nhớ dài hạn (longterm memory) nếu bạn làm điều này: Ôn lại thông tin đọc sách.
Bằng cách ghi lại một bài blog cảm nhận về cuốn sách, hoặc tạo lập một bản đồ tư duy, trả lời các câu hỏi trong sách hoặc tự đặt ra, bạn sẽ thực sự hiểu sâu về cuốn sách.
Trong quá trình đó, có thể bạn sẽ cần đặt ra những câu hỏi phản biện, hoặc liên kết với những kinh nghiệm mà bạn đã có sẵn trong người, hoặc liên hệ/đối chiếu với những nội dung từ các cuốn sách/bài báo khác. Hãy nêu rõ những chỗ đồng tình, chỗ phản đối, chỗ nghi vấn.
Chất hơn nữa, bạn có thể làm theo các ý tưởng ở phần sau.
Câu hỏi ba: Làm sao để việc đọc thật hữu ích?
Hãy kể cho người khác nghe 10 điều thú vị mà bạn vừa nhận được từ cuốn sách (đè thằng bạn thân ra mà kể nhân lúc nó đang bận uống cafe buổi sáng, hoặc post lên Facebook).
Hãy chia sẻ trên Facebook về cảm nhận đối với cuốn sách.
Hãy làm một bài nhận xét trên Goodreads.
Hãy làm một buổi thuyết trình/seminar cho đồng nghiệp nghe.
Hãy vận dụng một điều trong cuốn sách vào công việc hiện tại của mình, hoặc người thân.
Hãy biến kiến thức trong sách thành tiền, giải pháp, hoặc ý tưởng để triển khai dự án mới.
Và những cách khác nữa, miễn là khiến chữ nghĩa trong sách “bay ra” đời thực.
Đấy, tất cả những điều căn bản nhất về việc đọc sách chỉ có thế. Nếu bạn chịu đọc đến đây thì đúng là “thế mà đần”.
Bài tập cuối cùng: Hãy vận dụng điều cuối cùng “Để việc đọc thật hữu ích”, hãy chia sẻ những điều hữu ích của bài này, và vận dụng nó ngay vào việc đọc sách của bạn!
(Sưu tầm từ Dương Trọng Tấn)