Những ai nói rằng “tôi đã hiểu” nhưng lại không thể diễn đạt lại được điều đó rõ ràng thì tỉ lệ cao họ chưa thực sự hiểu.
Phần lớn chúng ta đều nhầm lẫn giữa việc “biết” và “hiểu” một thứ gì đó.
Chúng ta thường học theo cách “Knowing the name of something”, nghĩa là chúng ta dừng lại ở việc biết khái niệm hoặc biết tên của khái niệm.
Theo nhiều nghiên cứu thì cách học đúng đắn hơn đó là “Knowing something”, tức là tập trung vào việc tìm hiểu bản chất của khái niệm, nắm bắt được nguyên lý gốc rễ, làm chủ nó và có thể ứng dụng vào thực tế.
Vậy, có cách nào để chúng ta có thể “Know something” một cách nhanh chóng nhất?
Kỹ thuật Feynman
Kỹ thuật Feynman được sáng tạo ra bởi nhà Vật lý học cùng tên Richard Feynman. Richard được mệnh danh là “Người thông minh nhất thế giới” trên tạp chí Omni năm 1979. Ông không chỉ là thiên tài về Vật lý mà ông còn là chuyên gia trong rất nhiều lĩnh vực khác, chính niềm đam mê học hỏi và phát triển trên mọi khía cạnh đã giúp ông sáng tạo ra phương pháp học tập ưu việt của mình.
Kỹ thuật Feynman gồm 4 bước:
Bước 1: Lựa chọn một chủ đề và nhanh chóng nghiên cứu về nó
Bước này giống như chúng ta đang thu thập thông tin, thu thập càng nhiều càng tốt.
Bước 2: Dạy lại (hoặc giả vờ dạy lại) những kiến thức đã nghiên cứu được bằng cách NÓI và VIẾT cùng một lúc
Sau khi đã có thông tin rồi chúng ta sẽ bắt đầu phân tích, tìm ra những nguyên lý cốt lõi, những điểm chung, điểm riêng, điểm đặc biệt, những mối liên kết.. sau khi đã cảm thấy hiểu chúng ta bắt đầu dạy lại cho người khác thông qua việc vừa NÓI vừa VIẾT trên một tờ giấy hoặc bảng.
Sẽ rất tốt nếu người nghe có thể đặt câu hỏi ngược lại cho chúng ta. Đó sẽ là căn cứ được sử dụng cho bước 3.
Bước 3: Quay lại nghiên cứu để lấp những khoảng trống đã phát hiện trong bước 2
Trong quá trình làm bước 2, đặc biệt trong lần đầu tiên, chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện ra còn nhiều chỗ chúng ta chưa hiểu rõ, nhầm lẫn hoặc chưa nghĩ đến. Chúng ta sẽ tiếp tục quay lại tìm hiểu đến khi nào xử lý được hết những khoảng trống đó.
Bước 4: Đơn giản hoá, hình ảnh hoá, mô phỏng hoá, nhân cách hoá… sau đó quay lại bước 2 (cho đến khi cảm thấy thoả mãn)
Sau khi đã chắc chắn mình đã hiểu thông qua việc có thể làm bước 2 một cách trơn tru thì chúng ta bắt đầu đơn giản hoá những gì chúng ta đã biết, tốt hơn chúng ta có thể hình ảnh hoá, thậm chí nhân cách hoá theo đặc điểm của đối tượng người nghe. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục đi chia sẻ, dạy lại cho người khác cho đến khi chúng ta cảm thấy kiến thức đã thực sự là của mình.
Hãy thử thực hành ngay với chính kỹ thuật Feynman này xem sao 😉